Sở hữu vẻ đẹp mộc mạc hữu tình đồng thời nằm ở vị trí rất gần quốc lộ 1A. Cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam đẹp nên thơ giữa vùng quê yên bình xứ Nẫu. Cùng Phượt Hot khám phá địa điểm check-in cực chất của Xứ sở hoa vàng cỏ xanh. Cầu Ông Cọp Phú Yên!
CẦU ÔNG CỌP PHÚ YÊN Ở ĐÂU?
Ở Phú Yên có rất nhiều con vịnh nhỏ nối liền nhau. Chạy dọc theo chiều dài bờ biển. Địa hình phức tạp đã tạo nên những đầm, phá nằm xen lẫn phần đất liền khiến giao thông đường bộ nhiều nơi bị cách trở.
Chính vì thế mà người dân tại đây thường góp tiền xây dựng những cây cầu “dã chiến” để thuận tiện hơn trong việc đi lại.
Trong số những cây cầu gỗ ấy, cầu Miễu Ông Cọp (hay còn gọi cầu Ông Cọp, cầu Bình Thạnh) là đặc biệt hơn cả. Vì được mệnh danh là “cầu gỗ dài nhất Việt Nam”. Với chiều dài khoảng gần 400m.
Cầu bắc qua cửa sông Bình Bá (đổ ra cảng Tiên Châu) nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) với thị xã Sông Cầu. Nhìn từ xa, cây cầu trông mỏng manh, nhỏ bé giữa một vùng nước mênh mông thông ra khu vực đầm Ô Loan.
Vật liệu chính của cầu là những tấm ván gỗ làm từ thân cây phi lao. Thành cầu làm bằng những thân tre già. Có năm mưa lũ tới cuốn trôi cả cây cầu, phải mất hàng tháng trời xây lại. Trong khoảng thời gian đó, người dân phải đi vòng rất xa.
Mặt và trụ cầu được làm hoàn toàn từ gỗ ván. Bề mặt cầu chỉ rộng khoảng 1,5-1,8m và các thanh gỗ được xếp xen kẽ. Thỉnh thoảng lại bị hụt tạo nên các khoảng trống.
Trong khi đó, thành cầu chỉ nối với nhau bằng những thanh tre. Tuy không đảm bảo độ an toàn nhưng vì sự tiện dụng của nó, nhiều người vẫn đi lại qua chiếc cầu này.
Cầu Ông Cọp còn là lối đi tắt dẫn đến các thắng cảnh nổi tiếng ở Phú Yên như: Ghềnh Đá Đĩa (cách khoảng 8 km). Nhà thờ đá Mằng Lăng (120 năm tuổi) hay đầm Ô Loan (thắng cảnh cấp quốc gia Việt Nam).
ĐƯỜNG ĐẾN CẦU ÔNG CỌP NHƯ THẾ NÀO?
Đường đi từ thành phố Tuy Hoà
Bạn chạy vào đường Lê Duẩn rồi đi thẳng cho đến cây xăng Petrolimex số 17. chạy qua cây xăng rồi rẽ phải sẽ thấy Uỷ Ban Nhân Dân xã An Hoà.
Từ đây bạn tiếp tục đi thẳng qua cầu An Hoà hướng ra quốc lộ 1A. nếu không có google maps, bạn vừa chạy vừa hỏi người dân đường đi cầu gỗ.
Cung đường dài khoảng 35km đi qua nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như bãi Xép, hòn Yến, gành Đá Đĩa, hải đăng gành Đèn, nhà thờ Mằng Lăng… Bạn có thể kết hợp đi cầu gỗ Ông Cọp với những địa điểm trên để khám phá trong ngày nhé.
Đi từ thị trấn Sông Cầu
Bạn chạy QL1A sau khi qua cầu Ngân Sơn thì rẽ phải vào hướng nhà thờ Mằng Lăng rồi hỏi đường đến cầu gỗ Ông Cọp.
Cung đường dài 52km. QL1A đoạn này rộng, thoáng xe tuy nhiên có khá nhiều cảnh sát giao thông bắn tốc độ. Bạn nên chạy xe cẩn thận.
CHƠI GÌ TẠI CẦU ÔNG CỌP PHÚ YÊN?
Cầu Ông Cọp Phú Yên hiện đang trở thành địa điểm tham quan thú vị khi Phượt Phú Yên. Ngoài ra đây còn là đường tắt dẫn đến Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan,… Đây cũng là một nơi chụp ảnh lý tưởng cho những bạn thích “sống ảo”.
Nếu thuộc team yêu thích khám phá và sống ảo thì cầu gỗ Ông Cọp nhất định sẽ khiến bạn hài lòng. Điều tạo nên vẻ đẹp nơi đây không chỉ là bởi vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ của cây cầu. Mà còn bởi khung cảnh thiên nhiên xung quanh, với mặt nước mênh mông trong vắt và những rặng cây phi lao xanh rì.
Đứng trên cầu Ông Cọp, bạn sẽ có cảm giác như đang trôi nổi trên mặt nước mênh mông. Ở đây có vô vàn góc chụp hình thuộc hàng “tuyệt phẩm”.
Tuy nhiên đẹp nhất vẫn là lúc hoàng hôn xuống. Khi ánh nắng chiếu lên những chân cầu trải dài trên mặt sông, khiến chiếc cầu gỗ càng trở nên ảo diệu.
Hiện nay, cầu Ông Cọp là một trong những cây cầu gỗ hiếm hoi còn lại của tỉnh Phú Yên. Thế nên, vì lo sợ một ngày không xa cây cầu sẽ bị “xóa sổ”, nhiều phượt thủ đã nhanh chân tìm đến và ghi lại những khoảnh khắc cùng các trải nghiệm khó quên tại nơi này.
Từ cầu Ông Cọp, bạn cũng có thể dễ dàng đi đến một số thắng cảnh, địa điểm phượt nổi tiếng của Phú Yên như ghềnh Đá Dĩa, đầm Ô Loan, thị xã Sông Cầu, nhà thờ Mằng Lăng…
Bí Kiếp Phượt Phú Yên Toàn Tập – Xứ Nẫu Yêu Thương với Hoa Vàng Cỏ Xanh
CẦU ÔNG CỌP PHÚ YÊN CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?
Cầu gỗ Ông Cọp được xây dựng từ năm 1998. Cầu gỗ Ông Cọp chỉ thiết kế dành cho người đi bộ và xe máy sử dụng, với vật liệu chủ yếu bằng gỗ và tre. Mặt và trụ cầu được làm hoàn toàn từ gỗ ván.
Trong khi đó, thành cầu chỉ nối với nhau bằng những thanh tre già. Dưới chân cầu luôn có những đống gỗ phi lao chất sẵn. Khi có tấm ván nào hỏng thì sẽ được sửa ngay lập tức.
Nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân, thổ địa xứ “hoa vàng trên cỏ xanh” cho hay vào mùa lũ (tháng 10-11 hàng năm). Phía đầu cầu gỗ An Ninh Tây được người dân tháo dỡ một nhịp để cầu không cuốn trôi.
Dù vậy, vào đợt lũ quét, cây cầu vẫn bị cuốn ra biển, phải đầu tư mới hoàn toàn. Khi nước rút, nguồn kinh phí thu vé được sử dụng để tiến hành sửa chữa hoặc dựng mới lại.
Lang thang trên cầu gỗ này bạn có thể nhìn thấy hình ảnh người dân chèo thuyền giăng lưới. Trẻ em tắm sông hay những người phụ nữ vất vả đạp xe qua cầu.
Bảng giá thu phí qua cầu gỗ ông cọp Phú Yên
Trên đầu cầu phía phường Xuân Đài có một căn nhà gỗ nho nhỏ do một hộ gia đình quản lý để thu phí qua cầu.
- Mỗi lượt, người đi bộ trả 1.000 đồng.
- Người đi xe hai bánh trả 3.000 đồng.
- Chở thêm hàng hóa là 5.000 đồng.
- Riêng học sinh thì được miễn phí nha.
TÌM HIỂU LỊCH SỬ CỦA CẦU ÔNG CỌP PHÚ YÊN
Từ xa xưa, trên núi Mỹ Dựa thường xuất hiện một đàn cọp, trong đó có ông Cọp Bạch. Khi bà Cọp trở dạ khó sinh, ông Cọp đã lao xuống chân núi, chạy thẳng vào xóm Đồng Đò. xé toạc vách nứa ngôi nhà nhỏ, vồ lấy bà mụ thường đỡ đẻ cho sản phụ trong làng.
Nghe thấy tiếng động, nhiều người dân chạy tới nhìn thấy ông Cọp nhưng không dám làm gì. Mà chỉ biết quỳ lạy, thắp hương van vái xin buông tha người phụ nữ nọ. Nhưng ông Cọp lặng lẽ đưa bà mụ lên núi. Sau khi giúp bà Cọp sinh con, ông Cọp đưa bà đỡ xuống núi an toàn. Ba đêm sau, ông Cọp Bạch mang xuống sân nhà bà mụ một con lợn rừng để tạ ơn.
Một thời gian sau bà mụ rời xóm Đồng Đò xuống làng biển Phú Hạnh nằm dưới chân núi Hòn Bù, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An để lập nghiệp. Nơi ấy bây giờ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước thưởng ngoạn di tích danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa.
Sau khi bà mụ qua đời, những ngày cuối chạp mỗi năm. Người dân xóm Đồng Đò nhìn thấy dấu chân ông Cọp Bạch từ hướng núi Mỹ Dự vượt qua sông Bình Bá hướng ra cửa biển Tiên Châu, rồi xuống Hòn Bù để viếng mộ bà mụ.
Cũng từ đó, ông Cọp Bạch xuống nằm dưới chân núi Mỹ Dự với dáng vẻ trầm buồn, ít lâu sau thì chết. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân cứu giúp vợ sinh con. Người dân xóm Đồng Đò thời xưa rủ nhau lên núi đào đá, xếp thành miếu ông cọp để tôn thờ. Cây cầu gắn liền với miếu Ông Cọp nên tên cầu Ông Cọp cũng từ đó mà ra.
LƯU Ý KHI ĐẾN CẦU ÔNG CỌP PHÚ YÊN
- Cây cầu chỉ sử dụng vật liệu gỗ và tre nên cầu không được cố định chắc chắn, có chút rung lắc. Thỉnh thoảng lại bị hụt bởi các khoảng trống nên nếu bạn là người không chắc tay lái thì không nên chạy xe máy qua.
- Cầu gỗ Ông Cọp chỉ cho phép người đi bộ và xe máy sử dụng. Các bạn lưu ý tuyệt đối tuân thủ nhé.
- Nếu muốn thuận tiện trong việc đi lại, hoặc ngắm bình minh sớm ở cầu gỗ Ông Cọp. Bạn có thể thuê nhà nghỉ ở ngay gần đây như Ocean Beach Hostel hoặc Timothe Beach Bungalow ở thị xã Sông Cầu. Hai nhà nghỉ này đều sạch sẽ, giá cả phải chăng. Giá cả rơi vào khoảng 250 -350k/phòng/đêm.
Mong rằng những thông tin Phượt Hot chia sẻ sẽ giúp bạn có một kế hoạch du lịch thật thú vị. Và cầu ông cọp Phú Yên sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với bạn trong chuyến hành trình Phượt Phú Yên sắp tới.
Phượt Hot chúc bạn có một chuyến du lịch thật tuyệt vời, tràn đầy niềm vui và đông đầy những kỷ niệm.