Vùng đất của những hạt cà phê, những chú voi và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đắk Lắk còn làm nao lòng người bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên. Phượt Đắk Lắk kì bí là địa điểm phượt hấp dẫn của đại ngàn cho những bạn trẻ đam mê khám phá.
Em Về Đắk Lắk Đi Thôi!
Em về Đắk Lắk, quê tôi không?
Nơi ấy bình minh nắng rất hồng
Hoàng hôn cũng đẹp, sương mây tím
Tối về trăng mộng vẫn hoài mongĐắk Lắk đại ngàn nơi tôi đó
Cái nắng cái gió cũng biết buồn
Ví bước chiều nao em bỏ ngỏ
Chúng vỡ tan tành thác mưa tuônEm về Đắk Lắk, về đi thôi
Có tình, có nghĩa, có tim tôi
Người ta đứng đợi đã lâu rồi
Em về Đắk Lắk không em hỡi?
Em về Đắk Lắk, về đi thôi…
Tác giả: Huỳnh Minh Nhật
PHƯỢT ĐẮK LẮK VÀO THỜI GIAN NÀO ĐẸP NHẤT?
Thuộc khu vực khí hậu cao nguyên, nên ở Đắk Lắk một năm có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.
-
- Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, khí hậu ẩm và dịu mát. Bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển do nhiều tuyến đường vẫn là đường đất đỏ
- Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, khí hậu mát và lạnh đầu mùa, khô nóng cuối mùa, độ ẩm thấp, thường có gió mạnh từ cấp 4 đến cấp 6.
- Tháng 2, tháng 3 có hoa cà phê nở rộ khắp núi đồi. Đây cũng là dịp diễn ra nhiều lễ hội Đăk Lăktruyền thống. Đặc sắc nhất chính là lễ hội đua voi.
- Tháng 10 có hoa muồng hoàng yến vàng tươi.
- Tháng 12: hoa dã quỳ nở vàng rực khắp nơi.
Những tháng đầu năm là thích hợp nhất cho một chuyến đi phượt Đắk Lắk. Thời tiết dịu mát và chưa quá khô nóng.
Đặc biệt, vào tháng 11, 12 cả cao nguyên được phủ một màu vàng rực của hoa dã quỳ. Cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch lại là mùa hoa cà phê nở trắng đất trời.
PHƯỢT ĐẮK LẮK BẰNG PHƯƠNG TIỆN GÌ?
PHƯƠNG TIỆN ĐI TỚI ĐẮK LẮK
Máy bay
Giá vé từ Tp.HCM đi Đắk Lắk tầm khoảng 600 – 700k. Từ sân bay vào đến trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột là khoảng 9km về phía Đông Nam theo đường quốc lộ 27 đi Đà Lạt – Lâm Đồng.
Hiện tại đây toàn bộ các hãng hàng không ở Việt Nam đều thiết lập đường bay đến. Xuất phát từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vinh và Sài Gòn. Giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội vào khoảng 1500-2000k, từ Sài Gòn vào khoảng 1000-1500k tùy hãng.
-
- HCM – Buôn Ma Thuột: giá vé khứ hồi khoảng 1.200.000 – 2.000.000 VND
- Hà Nội – Buôn Ma Thuột: giá vé khứ hồi khoảng 2.000.000 – 3.000.000 VND
- Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột: giá vé khứ hồi khoảng 2.500.000 VND
Xe khách
Với khoảng cách Tp.HCM – Đắk Lắk vào khoảng 350km thì xe giường nằm là một lựa chọn khá tốt. Chọn chuyến xe đêm, ngủ một giấc 6 – 8 tiếng là đến nơi. Giá vé tầm khoảng 220 – 250k một lượt đi.
Từ 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh đều có rất nhiều chuyến xe khách đến Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) với giá vé xấp xỉ như sau:
-
- HCM – Buôn Ma Thuột: 220.000 – 380.000 VND/ghế/lượt.
- Hà Nội – Buôn Ma Thuột: 600.000 – 700.000 VND/ghế/lượt.
- Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột: 250.000 – 400.000 VND/ghế/lượt.
Xe máy
Cung đường tuyệt vời từ HCM ra Đăk Lăk sẽ là chuyến hành trình đầy trải nghiệm đối với bạn. Di chuyển khoảng 12 tiếng với chặn đường hơn 350km chắc chắn sẽ không làm bạn phải thất vọng.
DI CHUYỂN TRONG ĐẮK LẮK
Xe máy
Tại Đăk Lăk cũng có dịch vụ thuê xe máy với giá dao động từ 100 – 150k/ngày tùy loại xe. Nếu chọn thuê xe máy thì bạn cần phải để lại CMND bản gốc hoặc giấy phép lái xe bảng photo. Một số địa chỉ cho thuê xe máy tại Đăk Lăk:
-
- Anh Bo – Số điện thoại: 0944 070044. Địa chỉ: 593 Lê Duẩn, Tp Buôn Ma Thuột.
- Anh Tom – Số điện thoại: 0985 088552. Địa chỉ: 33 Nguyễn Kim, Tp Buôn Ma Thuột.
- Anh Cường – Số điện thoại: 0984 222441. Địa chỉ: Ngõ 587 Lê Duẩn, phường Ea Tam, Tp Buôn Ma Thuột
- Khách sạn Đam San – Số điện thoại: 0500 3851234. Địa chỉ: 212 Nguyễn Công Trứ, Tp Buôn Ma Thuột
Taxi
Taxi ở Buôn Mê Thuột giá khá rẻ, đi lòng vòng thành phố ăn uống này kia mất tầm 30 – 50k thôi. Ăn diện xúng xính, xinh tươi thì cứ chọn taxi, ngại gì đi xe máy cho nắng nóng.
Thuê xe ô tô ở Buôn ma thuột
Ngoài ra, nếu các bạn là một nhóm đi du lịch thì có thể thuê xe ô tô riêng để di chuyển từ điểm này sang điểm khác. Các bạn có thể thuê của Khách sạn mình ở hoặc tham khảo một vài công ty Vận tải dưới đây:
-
- Công ty Trúc Lâm: 96 Lê Thánh Tông, 025003916399 – 0943909574.
- Công ty Hoàng Nguyên: 02500 3955025 – 0983283535.
- Công ty Thùy Dung: 025002461111.
Các bạn nhớ thỏa thuận giá cả, việc trả tiền xăng, lệ phí cầu đường, dừng đỗ… trước với nhà xe. Thường thuê xe ô tô trọn gói theo ngày thì khách không phải trả tiền đổ xăng. Nhưng phải thỏa thuận trước là đi trong vòng bao nhiêu km, dừng mấy điểm và lịch trình cụ thể như thế nào.
PHƯỢT ĐẮK LẮK ĐI THAM QUAN ĐÂU?
CÁC ĐIỂM ĐẾN Ở BUÔN MA THUỘT
Homestay Lee’s House
Cách trung tâm thành phố 7km về hướng xã Cư Ê Bur. Lee’s House Homestay mang lại cho bạn một trải nghiệm rất tuyệt vời. Đây là 1 trong những địa điểm được các bạn trẻ ưa thích nhất khi đến Buôn Mê Thuột.
Với khu phức hợp cảnh sắc nhân tạo cùng với thiên nhiên ưu đãi với không gian 4 bề hùng vĩ. Lee’s House thật sự là 1 nơi nên ghé qua khi Phượt Đăk Lăk.
Giá phòng tham khảo:
-
- Phòng Double view hồ bơi có giá 800k/đêm
- Phòng giường tầng có giá 1.2 triệu/đêm
Nếu các bạn không ở đây, cũng có thể vào tham quan chụp ảnh với phụ thu 50k/người ở cảnh Bali. 50k/người cảnh phim trường.
- Địa chỉ: Homestay Lee’s House nằm tại số 55 đường số 3 thuộc xã Cư Ê Bur, thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.
Để đến được homestay, từ trung tâm bạn có thể di chuyển đến đường Phạm Ngũ Lão. Ở cuối đường sẽ thấy một ngã tư giao nhau với đường vành đai 10/3. Tiếp tục đi thẳng, đến ngã 3 đầu tiên thì rẽ vào hướng tay trái đường đi vào thôn 8 của xã Cư Ê Bur.
Tại thôn 8, bạn tiếp tục hỏi người dân để tìm đến chợ đoạn ngã tư. Nơi đó có một quán tạp hóa tên là Cô Hương. Đối diện quán chính là con đường bê tông dẫn vào khu homestay. Đường đi khá đơn giản và bạn có thể vừa sử dụng google map vừa hỏi người dân để tránh bị lạc đường.
Hẻm Hong Kong
Nếu đang tìm điểm ”sống ảo” bạn không thể bỏ qua con hẻm Hong Kong mới xuất hiện tại phố núi Buôn Ma Thuột. Đến đây, bạn sẽ lạc vào không gian đường phố Hong Kong những năm 60, 70 thế kỷ trước.
Được lấy cảm hứng từ những con phố ngập tràn sắc màu của bảng hiệu neon của những con hẻm nhỏ ăn uống đậm chất Hong Kong.
Con hẻm mở ra một không gian phố thị nhộn nhịp, sầm uất và đầy sắc màu bất kể ngày đêm. Hai bên hẻm, những biển hiệu chữ Hoa được thiết kế với màu sắc bắt mắt như đỏ, đen, trắng.
Từ trung tâm thành phố Buôn Mê, bạn đi theo đường Hùng Vương về hướng Đông Bắc. Đến cuối đường, bạn sẽ gặp đường Ama Khê. Rẽ phải là đến số 188 – nơi có con hẻm nhỏ mang phong cách Hong Kong.
-
- Địa chỉ. Hẻm 188 AMa Khuê – TP. Buôn Ma Thuột (Vào mua vé sẽ được gọi 1 phần nước uống nhé). Mở cửa: 7:00 – 23:00.
- Địa chỉ. Hẻm 188 AMa Khuê – TP. Buôn Ma Thuột (Vào mua vé sẽ được gọi 1 phần nước uống nhé). Mở cửa: 7:00 – 23:00.
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan
Sắc tứ Khải Đoan tự là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả tỉnh Đăk Lăk, nằm ở 117 Phan Bội Châu, Thống Nhất, Buôn Ma Thuột.
Đây cũng là ngôi chùa lần đầu tiên được xây dựng ở Cao Nguyên. Tên gọi Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu.
Chùa được xây bắt đầu từ năm 1951 do Đoan Huy hoàng thái hậu mẹ vua Bảo Đại cho xây dựng. Thứ phi Mộng Điệp trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công.
Là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến. Chùa hiện tại đã được bổ sung rất nhiều công trình mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn chính điện cũ. Đây là một điểm du lịch tham quan không thể bỏ qua ở thành phố Buôn Ma Thuột.
Bảo tàng cà phê
Với không gian mở chia thành nhiều khu khác nhau, bảo tàng cà phê được thiết kế theo kiến trúc nhà dài của đồng bào Tây Nguyên.
Không gian triển lãm tương tác với khách tham quan qua những trải nghiệm nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm.
Các hiện vật được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới. Bài trí ngay trên lối đi, không đóng trong tủ kính, tạo cảm giác chân thực và gần gũi.
Bảo tàng gồm 2 không gian: không gian bên ngoài có bán cafe, thức uống, không gian bên trong là nơi lưu giữ hiện vật.
Bảo tàng nằm tại địa chỉ: Nguyễn Đình Chiểu, Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Bảo tàng thế giới cà phê hiện mở cửa từ 8h đến 19h mọi ngày trong tuần.
-
- Vé vào tham quan dành cho người lớn là 75k, trẻ em mua vé với giá 40k.
- Một số triển lãm thu vé 100k một lượt tham quan.
- Bạn có thể mua combo vé với giá 150k.
Làng cà phê Trung Nguyên
Được thiết kế như một thế giới cà phê thu nhỏ. Làng cà phê không chỉ dắt lối du khách tìm hiểu, khám phá về hành trình của cà phê. Mà còn tái hiện lại cấu trúc đậm đà bản sắc Tây Nguyên thông qua từng khung nhà, góc vườn.
Ngoài những loại cà phê quý như cà phê Chồn, cà phê Arabica, cà phê Moka, Robusta ra thì các bạn còn có thể tìm thấy cho mình những loại cà phê nổi tiếng trên thế giới như Ethiopia, Thổ Nhĩ Kì, Italy, cà phê Syphon đến từ Nhật Bản.
Đặc biệt hơn, chúng ta cũng có thể chứng kiến cận cảnh quá trình thu hoạch, rang xay, chế biến từ những hạt cà phê thành một cốc cà phê thơm ngon.
Làng cà phê Trung Nguyên nằm tại địa chỉ: 153 Đường Lý Thái Tổ, Tân Lợi, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Mức giá tham khảo: 50 – 70k/phần nước.
Hồ Ea Kao
Hồ nằm cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột 12 km về hướng Đông Nam thuộc địa phận xã Ea Kao. Được hình thành từ việc chặn các dòng suối Ea Knin, Ea Kao, Ea Chăt, Cư Mblim… để xây dựng công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho lúa và cà phê.
Điều thú vị, tuy là công trình thủy lợi vận hành từ năm 1983 nhưng đến nay, không gian hồ Ea Kao vẫn mang đậm nét hoang sơ. Dù không phải hồ nước có diện tích lớn, hồ EaKao sẽ khiến bạn phải ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên thật thanh bình, đẹp như một bức tranh bình dị mộc mạc.
Dưới lòng hồ là hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài cá, tôm nước ngọt. Xung quanh hồ là những dãy núi đồi trập trùng cùng hệ thực vật phong phú với những cánh rừng còn nhiều cây cổ thụ.
Dạo bước quanh hồ, hít thở không khí miền cao trong lành, hương thơm nồng nàn mùi cỏ dại sẽ mang lại cho bản cảm giác thật sự thư thái.
Vào những ngày đầu tháng 6, mực nước trên hồ Ea Kao đang ở mức thấp để lộ những doi đất đỏ mềm mại. Cỏ mọc xanh rì biến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng để cắm trại và thư giãn.
Trên đường về từ Hồ Ea Kao bạn sẽ đi qua đường Y Nuê. Nếu có thời gian các bạn hãy ghé vào rừng thông ở 2 bên đường làm vài pô hình nhé.
Khu du lịch sinh thái văn hóa Buôn KoTam
Cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 9km. Buôn Kotam rực rỡ sắc màu bởi hàng trăm loài hoa khoe sắc.
Mặc dù có diện tích khiêm nhường hơn so với những khu du lịch sinh thái khác nhưng KoTam lại chứa đựng những “chất” riêng. Sự hùng vĩ của núi rừng và mộc mạc của cảnh sắc của KoTam làm cho du khách dễ dàng bị mê hoặc.
Có thể nói, KoTam là sự kết hợp của vô số loài hoa như mẫu đơn, dã quỳ, xuyến chi,… Đến đây, bạn cứ ngỡ như lạc vào giữa rừng hoa nhiều màu sắc với hương thơm dễ chịu. Còn gì thích bằng dạo bước vui chơi, đắm chìm giữa bạt ngàn hoa hướng dương, hoa dã quỳ.
Khu du lịch Buôn KoTam nằm tại địa chỉ: 789 Phạm Văn Đồng, Ea Tu, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Giá vé: 30k.
Buôn AKô Đhông
Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thôn nằm về phía Bắc, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng trên dưới 2 km. Đây là một buôn làng của người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột.
“Ako” tiếng Ê Đê có nghĩa là đầu nguồn, “Dhong” là lũng. Ako Dhong là lũng đầu nguồn. “Buôn lũng đầu nguồn” ăn nước con suối Ea Nhôn, có tiếng là buôn giàu có.
Các lễ hội được già làng Ama Rin tổ chức thường xuyên, lời ca, điệu nhạc, múa truyền thống luôn vang lên dưới mái nhà dài.
Sắc màu của vùng đất cao nguyên vẫn luôn thắm mãi ở buôn Ako Dhong, đã hấp dẫn nhiều lượt du khách khi đặt chân đến vùng đất bazan này.
Buôn nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật. Đây là một buôn được quy hoạch rất đẹp và giữ được nhiều giá trị truyền thống. Hiện tại là một điểm du lịch hấp dẫn nằm trong quy hoạch khu trưng bày lịch sử của Buôn Ma Thuột.
CÁC ĐIỂM ĐẾN Ở M’ĐRĂK (HƯỚNG ĐÔNG HƠN 50KM)
Thác Dray K’nao
Thác Dray K’nao nằm trên dòng suối Ea Krăng. Là hợp lưu của các con suối Ea Tong, Ea Tlư, Ea K’sumg và đổ ra sông Krông Hding.
Đầu nguồn của thác là đỉnh núi Cư Pă và dãy Chư Yang Sin hùng vĩ, gắn với nhiều huyền thoại kỳ bí. Khu du lịch này nằm ở huyện M’Đrắk cách TP. Buôn Ma Thuột 87km theo tuyến Quốc lộ 26.
CÁC ĐIỂM ĐẾN Ở KRÔNG BÔNG (HƯỚNG ĐÔNG NAM 20-25KM)
Thác Krong Kmar
Từ trung tâm huyện Krông Bông ngược về phía dãy Chư Yang Sin khoảng 3 cây số. Bạn sẽ gặp một thắng cảnh đẹp của Đăk Lăk đó là thác Krông Kmar.
Bắt nguồn từ đỉnh cao nhất của dãy Chư Yang Sin hùng vĩ được mệnh danh là mái nhà của Tây Nguyên. Dòng Krông Kmar đổ xuống chân núi, tạo thành thác Krông Kmar mang dáng vẻ hoang sơ, thơ mộng mà ai đã một lần đến đây hẳn sẽ còn nhớ mãi.
Từ đây những ai thích khám phá phong cảnh núi rừng có thể đi bộ theo dòng thác ngược về hướng thượng nguồn và sẽ lên đến nơi bắt đầu của dòng Krông Kmar.
Bạn sẽ rất ngỡ ngàng khi không ngờ rằng ở trên non cao của dãy Chư Yang Sin lại có một hồ nước rộng xanh trong và sâu hàng chục mét. Nằm giữa một rừng thông quanh năm vi vu khúc nhạc hòa cùng tiếng hót du dương thánh thót của nhiều loại chim rừng.
Khác với phía dưới luôn ào ào thác đổ. Ở đây rất yên vắng, gần gũi với những ai muốn đi tìm cho mình một khung cảnh tĩnh mịch và thi vị giữa thiên nhiên hoang dã.
Đến với thác Krông Kmar bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đầy ấn tượng mà tạo hóa đã ban tặng. Được đầm mình giữa những bãi tắm rộng trong làn nước mát trong xanh soi rõ từng viên cuội sỏi.
Một điều thú vị nữa là bạn sẽ còn được cưỡi voi của đồng bào Êđê. Thực hiện cuộc leo núi chinh phục đỉnh Chư Yang Sin. Hoặc thưởng thức hương vị khó quên của rượu cần Tây Nguyên ….
Thác Thủy Tiên
Từ trung tâm huyện Krông Năng đi về hướng xã Ea Púk khoảng 8km là tới Thác Thủy Tiên hay còn gọi là Thác Ba Tầng.
Đúng như tên gọi của nó, thác Thủy Tiên mang một vẻ đẹp thơ mộng nằm trong khu vực hoang sơ, ít người biết đến.
Đây là một thắng cảnh đẹp, hoang sơ giữa núi rừng với vô vàn những tảng đá nằm gối chồng lên nhau và những rễ cây rừng đan kín trông rất lạ mắt.
Do có 3 tầng nước đổ nên còn gọi là thác Ba Tầng
-
- Tầng thứ nhất hẹp, có độ dốc nhỏ với những bậc lên xuống dễ dàng.
- Tầng thứ hai trải rộng với nhiều bậc đá, và có những mặt hồ nước cạn có thể tắm được.
- Tầng thứ ba nước từ trên cao đổ xuống một mặt hồ rộng và sâu, tung bọt trắng xóa. Dòng chảy hiền hòa, uốn lượn giữa đại ngàn xanh thẳm.
Đến nơi này, bạn sẽ được thả hồn mình trong tiếng suối reo giữa non ngàn bao la và hùng vĩ. Từ trên cao, nước chảy xuống từng bậc đá tung bọt trắng xóa, tạo thành bức tranh sinh động, huyền hoặc của cảnh sắc núi rừng Tây Nguyên.
Vị trí thác Thủy Tiên nằm cách xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk khoảng 7km về hướng đông bắc.
CÁC ĐIỂM ĐẾN Ở BUÔN ĐÔN (HƯỚNG TÂY 10-40KM)
Khu du lịch Buôn Đôn
Khu du lịch Buôn Đôn nằm ở huyện Buôn Đôn, cách Buôn Mê Thuột khoảng tầm 40km. Đường vào bản Đôn bình yên với những nếp nhà sàn nhỏ.
Thấp thoang xa xa là bóng của những đứa trẻ ngồi chơi tha thẩn. Hay những vệt nắng in trên những vách sàn gỗ, xuyên qua những rặng si già đã vô tình tạo nên một tác phẩm thiên nhiên tại Buôn Đôn bình dị đến lạ thường.
Chúng ta, có mấy ai mà không nghe qua ca khúc thiếu nhi “Chú voi con ở Bản Đôn” rồi? Vậy thì đi Phượt Đăk Lăk mà không rong ruổi đến thị trấn Buôn Đôn để đi tìm voi để cưỡi thì thật là đáng tiếc.
Cảm giác mạnh khi cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn Quốc gia Yok Đôn là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Ngoài ra, bên cạnh những cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi để tham quan bản làng.
Bên cạnh đó thử cảm giác lắc lư nghiêng ngả của cầu treo Buôn Đôn. Chiếc cầu treo dài trên 100m bắc ngang lưng chừng những cây si già vượt qua dòng sông Sêrêpốk.
Cảm giác đi trên những cây cầu treo nghiêng ngả, bạn sẽ được một phen thót tim vì độ chao đảo dữ dội của cầu.
-
- Giá vé cưỡi voi vào khoản 300k/30 phút/3 người.
- Giá vé vào cổng tầm 40k/người.
- Thuê đồ dân tộc: 50k/ bộ.
- Chụp ảnh lấy liền 25k/tấm.
Khu Bảo tồn Lan rừng Troh Bư
Khu du lịch sinh thái Troh Bư nằm ở địa phận Buôn Niêng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. Cách Buôn Ma Thuột hơn 10km về phía Tây theo đường Nguyễn Thị Định (tỉnh lộ 1) đi Buôn Đôn.
Đây là một vườn thực vật tư nhân, được xây dựng theo mục tiêu chính là bảo tồn các loài lan rừng tự nhiên Việt Nam vùng cao nguyên. “Troh Bư”, theo tiếng Ê Đê, có nghĩa là “lũng cá lóc suối” (là loại cá lóc nhỏ chỉ bằng chuôi dao, đen chùi chũi, sống trong các suối đá).
Đặt chân đến khu du lịch sinh thái Troh Bư, bạn sẽ lạc giữa một khu vườn cổ tích với một không gian xanh ngát. Xung quanh là cây xanh, hồ nước… tất cả hiện lên như một bức tranh giữa núi rừng Tây Nguyên. Mỗi góc sống ảo ở đây đều được chăm chút tỉ mỉ nên bạn có thể thả ga chụp choẹt.
Nếu bạn yêu thích có thể chọn lưu trú tại đây trong những căn nhà được thiết kế gần gũi với thiên nhiên nằm dưới những tán cây rừng xanh mát.
-
- Giá vé tham quan khu du lịch sinh thái Troh Bư đối với người lớn là 35k/người.
- Lưu ý: nên đi TROH BƯ và BUÔN ĐÔN cùng ngày vì 2 nơi này cùng đường.
Vườn quốc gia Yok Đôn
Là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp. Yok Đôn còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên lớn nhất cả nước.
Đây là nơi sinh sống của nhiều loài thú lớn như bò rừng, bò tót, trâu rừng, voi, khỉ, vượn, hổ, báo, công, gà lôi, diều hâu…
Khi đến vườn quốc gia Yok Đôn bạn sẽ được tận hưởng các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng như cưỡi voi, đi bộ, đi xe đạp địa hình trong những cánh rừng nguyên sinh.
Đặc biệt ban đêm có thể đi xem các loài thú hoang dã. Ban ngày có thể du thuyền độc mộc trên dòng sông Serepôk thơ mộng.
Tham quan các buôn làng của các dân tộc bản địa Tây nguyên. Uống rượu cần, thưởng thức âm thanh của các dàn nhạc cồng chiêng huyền thoại.
CÁC ĐIỂM ĐẾN Ở KRÔNG ANA (HƯỚNG TÂY NAM 20-25KM)
Cụm thác Dray Nur, Dray Sap, Gia Long
Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 26km bạn có thể di chuyển dễ dàng bằng phương tiện xe máy hoặc xe bus.
-
- Nếu đi xe máy, bạn di chuyển theo tuyến đường Lê Duẩn – Tố Hữu đến UBND xã Dray Sáp. Chạy thêm khoảng 9km đường ĐT682 là đến thác Dray Nur. Hoặc theo tuyến quốc lộ 14, đến gần cầu 14, rẽ trái đi khoảng 10km nữa là đến cổng khu du lịch của cụm thác Dray Sáp + Dray Nur + Gia Long.
- Nếu bạn đi bằng xe bus từ thành phố Buôn Ma Thuột, bạn bắt xe bus số 13 (xe chạy Buôn Ma Thuột – Krông Nô). Xe đi theo hướng quốc lộ 14 và rẽ vào tỉnh lộ 684 ở điểm Cư Jút. Xe dừng ngay trước cổng thác là tới nơi.
- Nếu đi xe máy, bạn di chuyển theo tuyến đường Lê Duẩn – Tố Hữu đến UBND xã Dray Sáp. Chạy thêm khoảng 9km đường ĐT682 là đến thác Dray Nur. Hoặc theo tuyến quốc lộ 14, đến gần cầu 14, rẽ trái đi khoảng 10km nữa là đến cổng khu du lịch của cụm thác Dray Sáp + Dray Nur + Gia Long.
Thác Dray Nur là cụm thác nước cao hùng vỹ nằm bên cạnh dòng sông Sêrêpôk thơ mộng. Thác Dray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống 3 thác: Gia Long – Đray Nur – Dray Sáp của sông Serepôk.
Thác Đray Nur có chiều dài 250m, với độ cao 30m, nối liền địa bàn hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Thác Dray Nur gắn liền với nhiều câu chuyện huyền thoại về dòng sông Sêrêpốk. Sông Sêrêpốk khi chảy đến khu vực này thi tách thành hai dòng, chia hai ngả.
Hai nhánh sông ấy mang hai cái tên là sông Krông Ana (sông Cái) sinh ra ngọn thác Dray Nur (còn được gọi là thác Vợ). Và sông Krông Nô (sông Đực) sinh ra thác Dray Sáp (còn được gọi là thác Chồng). Hiện tại, thác Dray Sáp đã đóng cửa nên du khách chỉ có thể tham quan thác Dray Nur.
Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên, thác nước tung bọt trắng xóa, cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng của ngọn thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên.
Nhìn từ xa, thác Dray Nur cứ như một bức tường nước khổng lồ với muôn ngàn sợi nước trắng xóa đan xen và va vào vách đá tạo nên những âm thanh trầm bổng, dạt dào đến kinh ngạc.
Từ thác Dray Nur, bạn có thể men theo những con đường mòn trong rừng nguyên sinh ngắm những gốc cây đại thụ hàng ngàn năm tuổi, rễ của chúng ôm chặt những tảng đá lớn.
Đặc biệt, ngoài ngắm cảnh, bạn có thể đến thác Đray Nur, trải nghiệm những trò chơi thú vị như đạp xe, leo núi và chèo thuyền từ thác Dray Nur sang thác Drap Sáp Thượng. Hay khám phá cuộc sống của đồng bào Êđê, M’nông, nơi có lịch sử văn hóa đặc sắc của con người Tây Nguyên.
-
- Giá vé : 30K/Người – Xe điện : 20K/Người
CÁC ĐIỂM ĐẾN Ở HUYỆN LĂK (HƯỚNG NAM 30-35KM)
Hồ Lăk
Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) huyện Lắk. Cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt. Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27.
Qua đèo Lạc Thiện khoảng 10 km trước khi vào thị trấn Lạc Thiện sẽ nhìn thấy hồ nằm bên tay phải. Đây là hồ tự nhiên có độ lớn nhất còn hơn cả Biển Hồ (tỉnh Gia Lai). Dân tộc bản địa ở đây còn có cả một huyền thoại nói hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ.
Đến với hồ Lắk, bạn có thể cưỡi voi hoặc đi thuyền độc mộc để ngắm cảnh hồ. Khi lên bờ bạn có thể thực hiện những cuộc dã ngoại vào buôn làng Mơ Nông. Hoặc đi sâu vào trong rừng để khám phá những điều bí ẩn cuộc sống của chim chóc, muông thú.
Buôn Jun
Nằm tựa mình bên hồ Lắk trong xanh thơ mộng. Buôn Jun mang một vẻ đẹp nguyên sơ hiền hòa của buôn làng Tây Nguyên. Luôn giữ cho mình những bản sắc truyền thống đã được bảo tồn qua bao thế hệ.
Một thú vui khác nữa khi đến với nơi này là du khách được chèo thuyền trên hồ Lăk, thưởng thức cơm lam và những đặc sản của hồ Lăk như: cá, lươn, ốc cùng nhiều món ăn dân dã đậm đà hương vị của đồng quê cao nguyên.
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin
Nằm ở điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn thuộc khu vực Nam Tây Nguyên. Vườn quốc gia Chư Yang Sin có một phong cảnh vô cùng ngoạn mục với hơn 40 dãy núi cao, thấp khác nhau. Nhiều sườn dốc, những thảm rừng mênh mông và nhiều suối, ghềnh, thác đan xen, trùng điệp.
Trong đó, dãy Chư Yang Sin chạy theo hướng Đông – Tây, chia vườn thành hai khu Bắc – Nam là dãy núi cao nhất với đỉnh cao 2.442 m. Đỉnh Chư Yang Sin đã được mệnh danh là nóc nhà thứ hai của Tây Nguyên, sau đỉnh Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum.
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin là nơi ẩn chứa bao điều kỳ thú và hùng vĩ của thiên nhiên đại ngàn Tây Nguyên. Điều hấp dẫn các phượt thủ tìm đến vườn quốc gia Chư Yang Sin là những dãy núi kì vĩ.
Không những thế, chinh phục rừng thông cổ thụ, chiêm ngưỡng thế giới động thực vật hoang dã hay tổ chức dã ngoại đều là những trải nghiệm khó quên trong hành trình của bạn.
Núi đá voi YangTao
Núi đá Voi YangTao là điểm đến chụp hình “siêu ảo diệu”. Đứng trên đỉnh núi đá Voi YangTao bạn sẽ thấy tâm hồn thật bình yên, tự do.
Ngoài ra bạn sẽ được nghe kể những câu chuyện truyền thuyết về sự dịch chuyển của hai hòn đá. Giai thoại đá voi nuốt mỹ nữ hay ngắm nhìn những dấu tích kỳ lạ trên thân đá voi.
Đá Voi Yangtao gồm một cặp hòn đá Voi Cha và hòn đá Voi Mẹ, nổi tiếng với truyền thuyết là “hòn đá biết đi”. Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km theo đường quốc lộ 27, thuộc địa phận xã Yang-tao.
Đá Voi YangTao thuộc loại đá granit. Kích thước rất lớn: theo ước lượng thì đá voi mẹ có chiều dài khoảng 200m, chu vi dưới chân đá khoảng 500m và cao khoảng hơn 30m. Đá Voi Cha có kích thước nhỏ hơn: chiều dài khoảng 70m và chu vi khoảng 180m.
Đá Voi Mẹ nằm sát chân núi, là một dãy núi thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin. Còn đá Voi Cha cách đó khoảng 5 km về hướng Nam, nằm giữa một cánh đồng.
CÁC ĐIỂM ĐẾN Ở EA H’LEO (HƯỚNG BẮC 70KM)
Cánh đồng quạt gió Đăk Lăk
Sau Ninh Thuận, Bình Thuận và Bạc Liêu, Đăk Lăk nay cũng đã có cho riêng mình một cánh đồng quạt gió bát ngát. Cánh đồng quạt gió Đăk Lăk tọa lạc tại xã Dlie Yang, huyện Ea H’leo.
Từ trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột, hãy bám sát cung đường km82 đi về hướng Ea H’leo. Khi chạm tới địa phận xã Dlie Yang, bạn có thể hỏi thêm người dân địa phương để nhận được những chỉ dẫn chi tiết nhất.
Dự kiến sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, cánh đồng quạt gió Đăk Lăk sẽ là nhà máy điện gió có công suất lớn nhất cả nước. Công trình không chỉ có chức năng làm nhiên liệu điện sinh hoạt, mà còn trở thành điểm du lịch nổi tiếng, hút giới trẻ.
Đến cánh đồng quạt gió, bạn nhất định đừng bỏ lỡ hình ảnh những cánh quạt cao vút, in dấu trên nền trời biếc xanh. Ngoài ra, bạn có thể tận dụng nền cảnh đặc trưng của Đăk Lăk với những hàng cỏ cháy rợp trời và núi đồi mờ xa.
Trông có vẻ đơn giản vậy thôi nhưng khi lên hình, bạn sẽ khiến bao người ngơ ngác vì tưởng là trời Tây đấy. Dù không có view biển trời bao la như Bạc Liêu hay Tuy Phong. Cánh đồng quạt gió Đăk Lăk vẫn là một điểm check-in cực chill dành cho con dân mê xê dịch.
PHƯỢT ĐĂK LĂK ĂN GÌ NGON?
Bún đỏ
Món bún đỏ là một món đặc trưng của Buôn Ma Thuột chỉ có ở thành phố xinh đẹp này. Nếu bạn được nếm thử qua một lần chắc hẳn bạn sẽ mê mẩn cái hương vị đặc trưng ngon tuyệt của nó.
Sở dĩ món ăn này có tên như vậy vì người dân nơi đây gọi theo màu sắc của sợi bún. Bún có màu đỏ, sợi to hơn bún bình thường. Đặc biệt bún đỏ không bán vào buổi sáng. Chính vì thế nếu đến đây muốn thưởng thức món đặc sản này thì bạn nên đi vào khoảng từ 3h chiều cho đến đêm.
Sợi bún được tạo màu bởi hạt điều một loại hạt dùng để nhuộm màu cho món ăn. Không có hại gì cho sức khỏe nó còn giúp có mùi thơm rất đặc trưng và riêng biệt.
Thành phần chính của nước dùng bún đỏ là từ của và xương ống. Nước được chế biến đúng chuẩn sẽ có hương vị ngọt thanh hấp dẫn đậm đà.
Khi ăn ăn kèm gạch cua và thịt lợn xay có thể cả trứng cút đều rất ngon. Có thể nói đây là một món ăn du khách nên nếm thử khi ở Buôn Ma Thuột.
Bún chìa
Bún chìa, đặc sản nổi tiếng Buôn Ma Thuột. Bún chìa có vị khá giống bún bò Huế, song món ăn này không sử dụng thịt bò làm thành phần chính. Bún chìa có nước dùng thanh, đượm vị mắm ruốc, hấp dẫn bởi phần giò chìa thơm ngậy và to.
Bò nhúng me
Là một món ăn lạ, đặc sắc của Thành phố Buôn Ma Thuột. Thịt bò kèm với nước sốt me được chuẩn bị trên một khay nóng trông hơi giống với món bò bít tết.
Vị chua chua, ngọt ngọt của nước me kèm miếng thịt bò thái mỏng. Cộng thêm vị thơm của tỏi phi sẽ khiến bạn ăn hoài không ngán. Món này ăn kèm bánh mì thì khỏi phải chê.
Cá bóng thác kho riềng
Một món ăn mà bạn không thể bỏ qua khi đến Đăk Lăk là món cá bống thác kho riềng ngon trứ danh. Loài cá bống này thích nghi với môi trường nước đổ từ trên cao. Sống chủ yếu ngay trong dòng thác đổ nên thịt chắc, nhỏ, khi bắt còn nhảy lao xao.
Cá được làm sạch hết nhớt, cho chút muối ướp cho ngấm. Cá được chiên trong chảo mỡ nóng đến vàng rồi đổ riềng đã giã vào đun sôi. Mùi riềng và cá quyện vào nhau cùng các mùi hành, tiêu, ớt ngấm vào thịt cá, ăn rất tròn vị.
Heo rẫy nướng
Heo rẫy là loại heo đồng bào nuôi kiểu chăn thả tự nhiên. Món heo rẫy nướng cao nguyên và heo nướng muối ớt đều tỏa mùi thơm gốc rễ. Vì món ăn có chung mấy loại gia vị tẩm ướp cơ bản: củ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt.
Món heo rẫy nướng chặt nhỏ xiên tre. Món nướng muối ớt thì nướng nguyên con dùng dao xẻo tại bàn. Bí quyết heo nướng để lâu vẫn óng ả giòn thơm là dùng sô-đa đánh tan mạch nha và nước cốt chanh, phết nhiều lớp lên da, quay đều trên bếp than hồng.
Cơm lam
Là một món ăn nổi tiếng của người dân ở bản Đôn. Cơm lam đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết trong khâu chế biến.
Để món cơm lam ngon phải chọn cây nứa khô còn non, chặt lấy gióng lưng chừng nứa. Gạo nếp cơm lam phải chọn loại trắng, dẻo, thơm. Gạo được ngâm qua đêm, vo sạch, thêm một chút muối trộn đều rồi cho vào ống lam, nướng trên bếp củi.
Khi chín sẽ dậy lên mùi thơm của gạo, quyện lẫn mùi tre nứa, làm say lòng bất kỳ du khách nào. Khi thưởng thức chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài, cắt khúc dùng với muối vừng, thịt gà hoặc thịt lợn rừng nướng.
Cơm lam được ăn kèm món gà thả vườn nướng lửa than rừng chính hiệu chấm muối ớt sả. Hương vị của món cơm lam và thịt gà hòa vào nhau làm cho ta có một cảm giác thật ưng ý.
Nếu thích, bạn có thể thưởng thức cùng rượu cần. Ăn cơm lam, thịt gà ta, uống rượu cần hợp hơn bia hay các loại rượu khác.
Lẩu cá Lăng
Cá lăng là một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người Tây Nguyên. Đây là loài cá nước ngọt thịt có vị ngọt, béo, thơm ngon thuộc bộ cá da trơn, có nhiều trên sông Sêrêpôk.
Người ta thường chế biến thành món chả, cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hay cá lăng nấu cháo… món nào cũng thơm cũng ngon. Nhưng thú vị nhất vẫn là lẩu cá lăng nấu canh chua, món ngon giải nhiệt, bổ dưỡng, được nhiều người lựa chọn trong mùa hè.
Ăn lẩu cá Lăng thì tuyệt nhiên cá phải tươi, không ăn cá ướp lạnh. Khi nồi lẩu sôi, cho cá vào cùng với các loại rau ăn kèm. Vị ngọt, bùi của thịt cá hòa trộn cùng vị chua thanh thanh của các loại gia vị như bài thuốc không thể thiếu một vị nào.
Lẩu lá
Có khoảng hơn 10 loại lá được dùng để chế biến lẩu lá rừng, phần lớn chúng đều được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng.
Món “lẩu” lá rừng này được chế biến đầu tiên bởi những người dân tộc Ê đê nơi đây. Khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, để có thức ăn nuôi sống hằng ngày, người Ê đê phải vào rừng để hái những loại lá khác nhau về nấu canh. Trải qua thời gian, “lẩu” lá rừng đã trở thành món đặc sản của người dân tộc bản địa.
Mỗi loại lá đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau.
Lẩu lá rừng chính là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Mỗi loại lá đều chứa đựng trong mình những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ.
Cùng với các loại lá thì mắm thịt và nem thính được cuốn vào lá. Vị cay cay nồng của lá tươi cộng với vị đậm của mắm thịt, vị khô của nem thính cho ta nhiều cảm giác lạ.
Dường như hương vị của núi rừng, của đại ngàn xanh đã thấm vào từng chiếc lá để bạn có thể cảm nhận một cách đầy đủ nhất về Tây Nguyên.
Gà nướng bản Đôn
Để có những con gà nướng ngon người dân bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng. Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Đất ở bản Đôn rộng, gà nuôi ở đây được thả rông tự do, thức ăn chính của chúng là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy.
Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con. Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại tý rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Sả được giã nhỏ rồi chỉ lọc lấy nước chứ không ướp cả xác, nước sả càng nhiều, thịt nướng càng thơm ngon.
Con gà thường được kẹp vào thanh tre rồi quay đều trên lửa than. Cứ vài phút xoay trở một lần cho đến khi gà chín chuyển sang màu vàng, tươm mỡ bóng nhẫy.
Gà nướng ở bản Đôn phải chấm với muối ớt hoặc muối sả. Dù loại muối nào cũng nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh. Loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn giòn thơm rất hấp dẫn.
Ăn gà nướng kèm với cơm lam lại càng ngon hơn. Khi cho vào miệng sẽ cảm nhận vị ngọt, thơm của thịt quyện với mùi thơm của sả, mật ong.
Món vêch
“Vêch” theo tiếng của người Ê Đê thực chất là phần đầu ruột non của động vật ăn cỏ mà phổ biến nhất là bò. Công đoạn giết bò, mổ lấy “vêch” được tiến hành thật nhanh để không gây xáo trộn các thành phần bên trong nội tạng.
Người có kinh nghiệm nhất sẽ chọn một đoạn ruột non liền kề với bao tử. Dùng dây buộc chặt hai đầu rồi mới cắt ra để riêng. Đoạn ruột này được chần qua nước sôi, bóp lấy phần dịch tiêu hóa bên trong pha với nước, lọc, lắng rồi cô đặc.
Những phần nội tạng khác cùng với da, đuôi… được luộc sơ, cắt miếng rồi nấu cùng loại gia vị. Đặc biệt vừa chế biến từ “vêch” kể trên và nhiều gia vị khác như ớt, củ nén, sả, riềng, tiêu rừng,…
Ngày nay, món “vêch” vẫn là một trong những món ăn quen thuộc của người Ê Đê. Dù có đôi chút cải biến cho phù hợp với điều kiện của từng gia đình và hầu như người Ê Đê nào cũng biết nấu và nấu rất ngon.
Măng nướng xào vêch bò
Đây là một món ăn đặc sản ở xã Ea Sol, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk. Một số người có thể không thích cái mùi của vêch (lòng phèo) bò, nên món này khá là khó nuốt. Nhưng đã là người con của Ê Đê phải biết ăn vêch.
Món vêch xào măng nướng dùng trong bữa ăn sáng, chiều của người dân. Nó có vị hơi đắng nơi đầu lưỡi của vêch bò. Sau đó là vị ngọt thanh của măng rừng. Vị cay của ớt. Măng có mùi vị rất thơm, không như măng luộc.
Mùa nào thức đấy, nhưng phải đợi mùa mưa, măng le rừng mọc mới nấu món đó được, chứ mua măng ở chợ nấu không ngon. Nếu phải làm để đãi khách thì có thể dùng tạm măng m’ô để nấu vêch bò. Tuy măng m’ô cũng mềm và ngọt nhưng món măng nướng này phải là măng alê mọc tự nhiên ở rừng mới ngọt thơm và dai, không bị nhão.
Để làm món ăn này, đầu tiên đặt những cây măng lên bếp lửa nướng trên lửa to, cho cháy lớp áo măng bên ngoài. Sau đó khơi than cho lửa liu riu, chờ măng chín, để nguội, bóc sạch sẽ áo măng, rửa lại rồi mới xắt nhỏ ra.
Dùng vêch đã khô, cứng, vắt lấy chất dịch màu xanh đen hơi đặc quánh trong đó ra chiếc chén con. Đặt chiếc chảo bự nhất lên bếp lửa cháy đỏ, giã nát một nắm củ nén và ớt chuột rồi rồi phi thơm, sau đó cho măng vào xào cho nóng, gia vị chỉ cần muối và mì chính là đủ.
Món này phải cay mới ngon. Măng đã được nướng chín nên chỉ xào sơ qua cho nóng là có thể cho vêch vào chung. Trong khi xào phải đảo đều tay và liên tục để vêch không bị khô và dính vào đáy chảo.
Mùi thơm của vêch bò, củ nén, của măng nướng như mời gọi. Nhìn nồi măng nghi ngút khói mà nước miếng cứ chảy ra. Người không quen ăn cay có thể chảy cả nước mắt, nhưng nồi cơm gạo rẫy mới thơm thơm, hết bay lúc nào không biết.
Các món ăn làm từ Cà đắng
Cà đắng là một loại cà dại, trước đây mọc hoang khắp các vùng rừng núi Tây Nguyên. Ngày nay, cà đắng đã được bà con dân tộc mang về trồng trong vườn nhà như một loại cây lương thực.
Cà đắng ra trái quanh năm, trái cà đắng lớn hơn cà pháo, ruột có nhiều hạt, vị đắng rất đặc trưng. Nơi cuống quả có nhiều gai nhọn. Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, ăn cà đắng sẽ giúp cơ thể con người không bị thống phong, thấp khớp hay đau nhức xương.
Cà đắng ăn sống hay nấu chín đều có những hương vị rất ngon và rất đặc trưng. Nếu muốn tận hưởng hết những hương vị đăng đắng đặc biệt của loại quả này, có thể ăn quả cà sống như một loại rau.
Nhưng cà đắng nấu chín lại có những hương vị rất đặc trưng khi kết hợp với các loại thực phẩm khác. Đặc biệt, hai loại gia vị không thể thiếu khi chế biến món cà đắng chín là ớt và lá lốt xắt nhỏ.
Ngoài ra người dân Tây Nguyên còn chế biến các món như : Gỏi cà đắng, cà đắng nướng dằm ớt xanh, cà đắng om ếch đồng, cà đắng hầm chân giò heo, cà đắng nấu canh cá trích …
Rượu cần
Uống rượu cần là thói quen lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần là một thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý.
Rượu cần có nhiều loại. Rượu thóc là lúa mới xay, rửa cho sạch, ngâm nước rồi trộn men để bỏ vào ché. Lấy lá chuối bịt chặt miệng ché độ năm, sáu hôm sau là dùng được.
Rượu cơm là rượu làm bằng gạo nấu thành cơm ủ với men; hoặc là trộn đều bỏ vào ché; hay bỏ một lớp cơm, một lớp men cũng được. Cơm rượu chỉ độ vài ba hôm là nở tràn ché. Còn rượu kê, bo bo, bắp, mì, v.v… thì cũng làm theo cách trên.
Cần uống thường làm bằng cây trúc hay cây triêng. Cuốn cây triêng thường dài cả mét, chặt đem về phơi khô, rút lõi bỏ đi, dùng làm cần rượu thì tuyệt!
PHƯỢT ĐẮK LẮK CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?
-
- Mang theo dụng cụ như áo mưa, dù vì các tỉnh Tây Nguyên thường xuất hiện những cơn mưa đột ngột.
- Dù đi mùa nào cũng nên mang áo ấm vì không khí ở đây khá lạnh vào buổi chiều tối. Chưa kể đến những đợt gió không ngừng thổi.
- Đường ở các tỉnh Tây Nguyên khá hẹp, nhiều đèo, dốc. Cần chú ý tốc độ, tầm nhìn và cẩn thận với xe khách ngược chiều hay chạy ẩu.
- Nên mang đầy đủ giấy tờ xe, chấp hành đúng luật giao thông đường bộ, chạy đúng tốc độ quy định (có khá nhiều trạm kiểm tra tốc độ).
- Mang các vật phẩm, kem, thuốc để ngừa và trị vết cắn của côn trùng.
- Mang theo lều, mùng mền, túi ngủ và đồ ăn nếu muốn cắm trại ở các địa điểm có thác.
- Ở Tây Nguyên bạn nên tận hưởng khí hậu mát mẻ bằng cách đi bộ vào buổi tối và sáng sớm.
- Chú ý tìm hiểu kĩ phong tục của các dân tộc khi vào các buôn làng. Không đi sâu vào nương rẫy, rừng sâu của dân địa phương.
Mong rằng những thông tin Phượt Hot chia sẻ sẽ giúp bạn có một kế hoạch du lịch thật thú vị. Và Phượt Đắk Lắk sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với bạn trong chuyến hành trình tiếp theo khám phá Tây Nguyên.
Phượt Hot chúc bạn có một chuyến du lịch thật tuyệt vời, tràn đầy niềm vui và đông đầy những kỷ niệm.